TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ 60 NĂM XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH
Hiệu trưởng - Thạc sĩ: Đào Ngọc Thắng
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Thời điểm đó cán bộ có trình độ Đại học rất ít, nhiều tỉnh chưa có trường cấp III trong đó có tỉnh Yên Bái. Sau khi khu Tây Bắc ra đời năm 1957, tỉnh Yên Bái trực thuộc khu hành chính Lao- Hà - Yên (gồm 3 tỉnh Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái). Tuy nhiên khu hành chính Lao - Hà - Yên chỉ tồn tại từ năm 1957 đến đầu năm 1959. Ngày 23/3/1959 Chính phủ ra sắc lệnh 020-SL bãi bỏ cấp hành chính khu Lao Hà Yên đặt tỉnh Yên Bái và Lào Cai dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính Phủ, sát nhập tỉnh Hà Giang vào khu tự trị Việt Bắc.
Trường THPT Nguyễn Huệ mà tiền thân là trường cấp II, III thị xã Yên Bái, trường cấp III thị xã Yên Bái, trường cấp III A Yên Bái được thành lập từ năm 1957. Quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường được bắt đầu từ năm 1955 là trường đào tạo học sinh cấp III cho khu Lao - Hà - Yên. Năm học 1955-1956, trường tuyển sinh được 01 lớp 8 (hệ 9 năm) học sinh được học cùng trường cấp II thị xã Yên Bái tại khu vực trung tâm thị xã, chân dốc nhà thờ Yên Bái. Năm học 1956-1957, do thiếu giáo viên cấp III hơn nữa năm 1956 cải cách giáo dục lần 2, hệ thống giáo dục phổ thông chuyển thành 10 năm và từ đó năm học được tính từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau (năm 1956 có 3 học kỳ, học kỳ 3 kéo sang năm 1956); số học sinh cấp III của trường được chuyển xuống trường cấp III Hùng Vương (Phú thọ) để tiếp tục học tập đến khi tốt nghiệp. Năm học 1957-1958, trường tuyển sinh được 01 lớp 8 với 43 học sinh tuổi đời từ 18 đến 23 nhiều người đã có vợ, có con, đến lớp 10, lớp cuối cấp chỉ còn 29 học sinh trong đó có 5 học sinh nữ, học chung với trường cấp II thị xã Yên Bái và gọi là trường cấp II, III thị xã Yên Bái. Hiệu trưởng nhà trường là thầy giáo: Nguyễn Văn Mộc trực tiếp dạy bộ môn Văn cùng với 3 giáo viên cấp III, là thầy Đặng Minh Tuấn (tức Phạm Tất Năm) giáo viên Vật lý; thầy Trần Trí Hòa giáo viên Lịch sử; thầy Hoàng Bá Sơn giáo viên Toán học. Các môn còn lại do giáo viên cấp II, III dạy kiêm; thầy Lương dạy thể dục chung cho 2 cấp của trường. Năm học 1958-1959 trường có 01 lớp 8 và 01 lớp 9 trường vẫn ở chỗ cũ nhà trường có thêm thầy Thân Đức Thi dạy Toán và thầy Nguyễn Văn Bảy dạy Trung văn đồng thời làm Thư ký Công đoàn nhà trường; Năm học 1959-1960, trường có học sinh tốt nghiệp cấp III đầu tiên. Hiệu trưởng nhà trường là thầy giáo Nguyễn Nghiệp sau đó thầy được chuyển về Công tác tại Hà Nội.
Do nhu cầu đào tạo cán bộ và sự phát triển giáo dục trong tỉnh, vào năm học 1960-1961, trường cấp II, III thị xã Yên Bái được tách thành hai đơn vị riêng: cấp II và cấp III. Trường có tên là trường cấp III thị xã Yên Bái. Từ đó trường được chuyển địa điểm từ trung tâm thị xã Yên Bái vào xã Nam Cường nơi đã được UBND tỉnh và ty Giáo dục đầu tư xây dựng với quy mô rộng lớn để tiếp nhận số lượng học sinh đang tăng lên nhanh chóng. Số giáo viên trong buổi đầu chỉ có 11 người kể cả 01 cán bộ văn phòng là bác Phạm trọng Chình. Thời kỳ này trường có đặc điểm riêng mà trước và sau này không có. Đó là mối quan hệ đặc biệt giữa 2 trường cấp II và cấp III vốn cùng nguồn gốc từ những năm trước. Tuy đã chia thành 2 trường nhưng chỉ độc lập về chuyên môn, còn mọi hoạt động khác đều chung một cơ sở. Giáo viên, học sinh của 2 trường sinh hoạt chung trong các tổ chức đoàn thể, Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, mọi hoạt động TDTT, văn nghệ, lao động, tăng gia sản xuất đều tổ chức chung. Toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập, kể cả tài chính của 2 trường đều được quản lý thống nhất. Giáo viên 2 trường còn phối hợp mở 2 lớp BTVH cho cán bộ các cơ quan trong tỉnh dưới sự điều hành của một Hiệu trưởng do Ty Giáo dục bổ nhiệm là thầy giáo Lê Văn Nhẫn. Trên năm chục giáo viên, phần lớn cùng ở trong một tập thể, sống hòa hợp, không có sự phân biệt, luôn có sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, mối quan hệ đó được duy trì cho tới ngày xảy ra chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, mỗi trường sơ tán một nơi.
Từ năm 1960-1961 trở đi, trường cấp III ngày càng phát triển ổn định. Trường được bổ sung giáo viên, xây thêm phòng học, tăng thiết bị thí nghiệm. Giáo viên, học sinh làm hết sức mình để kết thúc chương trình một cách mỹ mãn và chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi cuối cấp lần thứ hai của trường và cũng là lần đầu tiên được Bộ Giáo dục cho phép tổ chức coi, chấm thi ngay ở địa phương. Kết quả kỳ thi rất tốt đẹp, 100% học sinh lớp 10(12) đỗ tốt nghiệp.
Trường đang phát triển thuận lợi thì chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lan rộng đến tỉnh ta. Ngày 9/7/1965, máy bay Mỹ ném bom vào bệnh viện. Ngày hôm sau chúng đánh phá vào trường. Lớp học, phòng thí nghiệm, khu nhà ở bị đổ nát sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ. Vào thời điểm này, giáo viên và học sinh đang nghỉ hè, chỉ còn 4 giáo viên ở lại trông trường. Anh em ngày đi sơ tán, chiều tối về thu nhặt đồ dùng thí nghiệm, tài liệu mang gửi nhờ nhà dân xã Nam Cường, sau đó chuyển tiếp sang xã Giới Phiên để đảm bảo an toàn hơn. Hàng chục tấn thiết bị thí nghiệm, SGK ... được khiêng vác vận chuyển đến nhiều địa điểm. Sau một tháng nghỉ hè tất cả giáo viên, nhân viên tập trung tại xã Phúc Lộc để học chính trị, quân sự, nhiệm vụ năm học mới. Cuối tháng 8/1965, thi hành quyết định của Ty giáo dục, giáo viên được chia thành ba bộ phận để thành lập ba trường mới: trường cấp III A, Cấp III B, và cấp III Trấn Yên cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Đó là cuộc chia tay đầy lưu luyến của anh em giáo viên sau những năm đã từng sống gắn bó với nhau.
Một bộ phận giáo viên cùng thầy Hiệu trưởng Lê Văn Nhẫn về xây dựng trường ở thôn Bình Lục xã Văn Tiến huyện Trấn Yên với tên gọi: Trường cấp III A thị xã Yên Bái (THPT Nguyễn Huệ); một bộ phận về xây dựng trường tại xã Bảo Hưng huyện Trấn Yên với tên gọi: Trường cấp III B thị xã Yên Bái (THPT Lý Thường Kiệt) - Ty Giáo dục chỉ định thầy Vũ Trọng Hiến làm Hiệu trưởng; bộ phận còn lại xây dựng trường mới với tên gọi: Trường cấp III Trấn Yên (THPT Lê Quý Đôn). Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn với thầy giáo và học sinh. Không có kinh phí thầy trò phải bằng sức lao động của mình, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các xã gần trường để xây dựng lớp học, nhà ở. Giáo viên, học sinh phải đi xa hàng chục cây số để vận chuyển tre, nứa, lá về. Số bàn ghế ít hư hỏng có thể dùng tạm được vận chuyển vào ban đêm. Sau gần một tháng lao động, lớp học, nhà ở mới được xây dựng xong. Các lớp học đều nằm khuất dưới tán lá cây rừng, có hệ hầm hào thông ra ngoài. Trên các trục đường học sinh đi về đều đào hầm trú ẩn. Việc dạy và học được tiến hành song song với việc xây dựng và củng cố cơ sở vật chất.
Năm học 1966-1967, thầy Lê Văn Nhẫn được đề bạt làm Phó Trưởng ty Giáo dục Yên Bái, thầy Vũ Trọng Hiến giáo viên Văn làm Hiệu trưởng trường cấp III B được điều động luân chuyển về làm Hiệu trưởng trường cấp III A Yên Bái.
Năm học 1967-1968, thầy Vũ Trọng Hiến chuyển công tác về xuôi; thầy Cù Liêm giáo viên chính trị được đề bạt làm Hiệu trưởng.
Mọi hoạt động của nhà trường đang dần ổn định thì Đế quốc Mỹ lại leo thang đánh phá ác liệt hơn. Vì trường đóng gần cầu Ngòi Sen (gần ga Văn Phú) là trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ nên một lần nữa trường phải sơ tán về thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh. Thầy Cù Liêm chuyển trường, Ty Giáo dục bổ nhiệm thầy Hoàng Lục Chinh giáo viên Hóa học làm Hiệu trưởng, thầy Phạm Duy Tính giáo viên chính trị làm Hiệu phó nhà trường.
Năm học 1968-1969; 1969-1970; 1970-1971 trường đóng tại thôn Thanh Hùng xã Tân Thịnh huyện Trấn Yên; thầy Hoàng Lục Chinh làm Hiệu trưởng, thầy Phạm Duy Tính làm Hiệu phó.
Năm học 1971-1972 trường chuyển về km 7 (nay là trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân) phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Trường có 4 lớp 8, 3 lớp 9 và 2 lớp 10; trường được xây dựng mới đầy đủ phòng học và nơi ở cho cán bộ, giáo viên. Khang trang nhất trong các trường cấp III thời đó tuy chỉ là nhà gỗ, vách tóoc xi, lợp lá cọ. Cuối năm học, thầy Hoàng Lục Chinh được tỉnh ủy Yên Bái cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc TW sau đó được đề bạt làm Hiệu trưởng trường Đảng tỉnh Yên Bái; Ty Giáo dục bổ nhiệm thầy Phạm Duy Tính làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Đình Lưu, thầy Nguyễn Bảo Cử làm Hiệu phó nhà trường.
Năm 1972-1973, Mỹ tăng cường B-52 đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Lệnh phòng không sơ tán triệt để. Trường cấp III A Yên Bái phải chia làm 2 phân hiệu; một phân hiệu sơ tán về khu vực Đình trắng xã Tân Thịnh do thầy Nguyễn Bảo Cử - Hiệu phó nhà trường phụ trách; một phân hiệu sơ tán về thôn Thanh Hùng, Xã Tân thịnh do thầy Nguyễn Đình Lưu - Hiệu phó phụ trách; thầy Phạm Duy Tính - Hiệu trưởng phụ trách chung. Đỉnh điểm của cuộc chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc là chiến dịch chiến lược "Linebacke II" của giặc Mỹ. Chúng huy động 193 pháo đài bay B-52 ở Guam và Thái Lan, tập trung oanh tạc thành phố Hà nội, Hải Phòng ... Về phía chúng ta và báo chí nước ngoài gọi là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm (từ ngày 18/12/1972 đến 29/12/1972). Quân và dân ta đã đập tan cuộc chiến tranh phá hoại, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau Hiệp định Paris được ký kết, vào đầu học kỳ II năm học 1972-1973 trường được chuyển về km 7. Nơi đây khi sơ tán đã phải dỡ bỏ hết nhà cửa và toàn bộ cơ sở vật chất, khi trở về phải làm lại khẩn trương để tổ chức dạy và học và hoạt động bình thường. Thầy trò lại một lần nữa cùng với sự giúp đỡ của các ngành hữu quan, nhân dân, phụ huynh học sinh cấp tốc dựng trường, lớp bằng tranh, tre, nứa, lá, vách đất để tổ chức các hoạt động dạy và học bình thường.
Năm học 1973-1974, trường đi vào hoạt động bình thường và ổn định dần nhưng trong những năm học từ 1974 đến 1983 nhà trường rất gian nan về cơ sở vật chất. Trường toàn tranh, tre, nứa, lá, đóng trên đỉnh đồi cao khu km 7 đường đi Hà Nội nên hằng năm cứ vào mùa mưa bão là xẩy ra tốc mái, đổ nhà... gần như không có năm nào được yên ổn trong kỳ mưa bão đó là chưa kể đến những năm xẩy ra hỏa hoạn bất thường trong đêm. Trong năm học này thầy Phạm Duy Tính chuyển công tác làm Hiệu trưởng trường Sư phạm 10+2; thầy Nguyễn Bảo Cử chuyển công tác về xuôi. Ty Giáo dục bổ nhiệm thầy Nguyễn Văn Mộc làm Hiệu trưởng, thầy An Viết Vân làm Hiệu phó; thầy Nguyễn Đình Lưu vẫn làm Hiệu phó nhà trường.
Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V đã nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh mới lấy tên là Hoàng Liên Sơn; mọi công việc nhà trường diễn ra bình thường, thầy và trò được học tập và giảng dạy dưới bầu trời yên tĩnh, mọi người mới thấy được cái giá phải trả cho sự yên bình, cho độc lập, tự do. Thầy trò chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp với niềm vui khôn tả, học sinh náo nức trước cánh cửa tương lai rộng mở, ra trường vào giai đoạn đất nước có những biến đổi quan trọng. Cả nước hòa bình thống nhất bắt tay vào xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Niềm vui chưa được bao lâu, toàn trường và nhân dân lại phải chuẩn bị tâm thế cho cuộc chiến tranh mới; Ngày 17/2/1979 Trung Quốc đồng loạt đưa quân đội tấn công Việt Nam trên toàn biên giới phía Bắc mở đầu cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở phía Bắc và phía Tây Nam. Trường chuẩn bị cho cuộc sơ tán mới, toàn trường chia thành 2 phân hiệu: Phân hiệu 1 ở tại địa điểm cũ km 7 do thầy Nguyễn Đình Lưu - Phó Hiệu trưởng phụ trách; phân hiệu 2 ở km 11 thuộc huyện Yên Bình thầy Phạm Minh Nhân - Phó Hiệu trưởng phụ trách. Khi cần thiết có thể sơ tán toàn trường vào phân hiệu 2.
Năm học 1979-1980, trường chia 2 phân hiệu, với 36 lớp. Số học sinh đông lại thêm học sinh Lào Cai theo gia đình sơ tán về Yên Bái, dân số tăng cơ học nhanh làm xáo trộn cả thị xã trong đó có nhà trường. Lại một phen vất vả, học sinh chia thành 2 tập hợp theo địa dư và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh; Giáo viên chia thành 2 bộ phận, một số vào ở hẳn khu phân hiệu 2, một số giáo viên ở tại phân hiệu 1, làm việc tại phân hiệu 2. Học kỳ II Sở bổ sung thêm thầy Nguyễn Văn Khính chuyên viên Sở Giáo dục về làm Hiệu phó nhà trường và được phân công phụ trách Phân hiệu 2 tại Km 11 huyện Yên Bình. Bao khó khăn, vất vả tăng lên khi ngoài dạy chính giáo viên còn phải dạy cho học sinh Lào Cai mới về những bài mà khi đi sơ tán học sinh chưa được học. Mặc dầu vậy, với sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao, thầy và trò nhà trường đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đưa năm học đến kết thúc thắng lợi. Trong thời gian này nền kinh tế của cả nước đang đi vào khủng hoảng nghiêm trọng của thời kỳ bao cấp, khó khăn của thầy và trò càng nhiều lên. Phải nói rằng đặt mình trong hoàn cảnh này mới thấy sự cố gắng của thầy và trò thật vô cùng lớn lao.
Năm học 1980-1981, 1981-1982, 1982-1983, hoạt động dạy và học đã khẳng định chất lượng giáo dục nhà trường được nhân dân trong tỉnh tin tưởng, các cấp lãnh đạo ghi nhận. Tỉnh ủy-HĐND-UBND quyết định đầu tư xây dựng trường tại trung tâm tỉnh thuộc tổ 25 phường Đồng Tâm (địa điểm hiện nay). Thầy và trò hồ hởi đón nhận công trình xây dựng với kiến trúc đẹp nhất thời kỳ đó mang tính đặc trưng riêng. Không phụ lòng quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các ngành hữu quan. Từ năm học 1983-1984 trở đi thầy và trò càng ra sức phấn đấu giành thắng lợi cao hơn. Vườn hoa hai tốt ngày càng có nhiều bông hoa đẹp. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ này Chi bộ nhà trường đã thống nhất chỉ đạo BGH thành lập các lớp chọn trong từng khối lớp và được đầu tư CSVC, giáo viên dạy tốt, có uy tín của trường đảm nhiệm. Từ đó học sinh, giáo viên có động lực mới để học tập, công tác, niềm vui, sự tự hào lan tỏa trong nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy và trò nhà trường cố gắng vươn lên trong các phong trào thi đua. Mặt khác, nhà trường đã chủ động đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái cho phép và được chấp nhận tổ chức lớp hệ B học văn hóa như hệ A và học thêm nghề sứ. Sau khi tốt nghiệp được tuyển vào làm công nhân tại nhà máy sử Hoàng Liên Sơn hoặc tiếp tục học lên Đại học- Cao đẳng; kinh phí do dân đóng góp, CSVC do nhà máy sứ cung cấp. Đây là mô hình thí điểm có kết quả tốt để thành lập các trường: bán công, tư thục sau này.
Năm học 1985-1986, thầy Nguyễn Văn Mộc chuyển về Sở Giáo dục công tác; thầy Nguyễn Đình Lưu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Khính, Thầy Phạm Minh Nhân làm Hiệu phó; Sở Giáo dục điều động cô Hoàng Thị Chiến Hiệu phó trường cấp III Nghĩa Lộ làm Hiệu phó trường THPT Nguyễn Huệ. Từ năm học này trở đi chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên được minh chứng bằng số lượng học sinh giỏi và giáo viên giỏi các cấp.
Hết học kỳ I năm 1991-1992, thầy giáo Nguyễn Đình Lưu chuyển về Sở giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái. Thầy Nguyễn Văn Khính làm Hiệu trưởng, thầy Phạm Minh Nhân, cô Hoàng Thị Chiến là phó Hiệu trưởng, và bổ sung thầy Hoàng Văn Trường làm phó Hiệu trưởng. Năm học 1996-1997, cô Hoàng Thị Chiến được điều động về Sở công tác giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở; Thầy Nguyễn Đình Lưu làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái. Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền phó Hiệu trưởng trường Chuyên Nguyễn Tất Thành được điều động về làm phó Hiệu trưởng nhà trường.
Năm học 1995 -1996, một tai nạn bất ngờ ập đến thầy Phạm Minh Nhân ra đi mãi mãi để lại bao dự định, hoài bão cho tương lai, để lại sự tiếc thương cho các thế hệ thầy và trò nhà trường. Năm học 1999 - 2000, Cô giáo Đinh Thị Kim Khánh được bổ sung giữ chức vụ phó Hiệu trưởng nhà trường. Phát huy những thành tích đã đạt được, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Chi ủy, Ban Giám Hiệu và tập thể sư phạm nhà trường, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Sở Giáo dục, UBND, HĐND, tỉnh ủy Yên Bái trường THPT Nguyễn Huệ được Chính phủ tặng huân chương Lao động hạng III và được trao Huân chương đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (1997).
Năm học 2004-2005, thầy Nguyễn Văn Khính được nghỉ theo chế độ hưu trí, thầy Hoàng Văn Trường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Vĩnh Truyền, cô Đinh Thị Kim Khánh là phó Hiệu trưởng, đến năm 2008 thầy Bùi Lý Lam Sơn được bổ sung làm phó Hiệu trưởng nhà trường. Với những thành tích đã đạt được tập thể lãnh đạo và Hội đồng sư phạm nhà trường đã giữ vững ổn định, đoàn kết, phát huy được thế mạnh xây dựng được môi trường sư phạm tốt được nhân dân trong và ngoài tỉnh ghi nhận. Nhà trường đứng trong tốp 200 trường có chất lượng giáo dục tốt. Vì vậy, năm học 2007-2008, nhà trường được Đảng và nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì và được trao vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (11/2007).
Năm học 2009-2010, thầy Hoàng Văn Trường được điều động về Sở GD&ĐT giữ chức vụ trưởng phòng giáo dục trung học. Cô giáo Đinh Thị Kim Khánh được phân công là Phó hiệu trưởng phụ trách trường, thầy Nguyễn Vĩnh Truyền, thầy Bùi Lý Lam Sơn làm phó Hiệu trưởng. Tập thể nhà trường đã giữ vững danh hiệu, truyền thống dạy tốt, học tốt của trường.
Năm học 2011-2012, do yêu cầu công tác để tăng cường cán bộ lãnh đạo tốt cho trường PT DTNT THPT tỉnh, cô giáo Đinh Thị Kim Khánh được điều động đến công tác tại trường PT DTNT THPT tỉnh, giữ chức vụ phó Hiệu trưởng. Ngày 1/11/2011 thầy giáo Đào Ngọc Thắng Hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt được điều động về làm Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ. Thầy đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường và tập thể giáo viên, nhân viên giữ vững ổn định, xây dựng khối đoàn kết mà hạt nhân là các đồng chí đảng viên trong Đảng bộ, phát huy những ưu điểm, hạn chế nhược điểm, với tình cảm chân thành, cách làm quyết liệt đã phát huy tốt truyền thống nhà trường, ý thức học sinh, giáo viên, nhân viên nâng lên rõ rệt. Nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân trong thành phố và trong tỉnh. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo năm học 2012-2013, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất vào đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường (17/11/2012). Năm học 2013-2014 với sự phấn đấu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cộng với sự tín nhiệm cao của tập thể giáo viên, nhân viên cô giáo Bùi Thị Ánh được Sở Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường; thầy giáo Phạm Quốc Trọng được bổ nhiệm và điều động giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Quốc Việt. Năm học 2014-2015, thầy giáo Bùi Lý Lam Sơn được nghỉ theo chế độ hưu trí; thầy giáo Hoàng Văn Quang được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ. Với yêu cầu công tác và cũng để bồi dưỡng cán bộ nguồn cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà; năm học 2016-2017, thầy giáo Hoàng Văn Quang được luôn chuyển làm Phó Hiệu trưởng trường PT DTNT THPT tỉnh; thầy giáo Nông Ngọc Xô được luôn chuyển từ trường PT DTNT THPT tỉnh về làm Phó hiệu trưởng nhà trường.
Sau 60 năm xây dựng và phát triển, quy mô và chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao, xứng đáng với mô hình trường chất lượng cao mà Nhà nước đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục nước nhà. Hơn 20% các thầy cô giáo nhà trường có bằng Thạc sỹ; Đội ngũ nhà giáo luôn phấn đấu giỏi về chuyên môn, sáng về đạo đức. Từ mái trường này 3 thầy, cô đã trở thành Giám đốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đó là: Thầy giáo Lê Văn Nhẫn (nguyên Hiệu trưởng), Thầy giáo Nguyễn Đình Lưu (nguyên Hiệu trưởng); Cô giáo Hoàng Thị Chiến (nguyên Phó Hiệu trưởng); 09 thầy, cô giáo được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú: Nhà giáo Nguyễn Xuân Bình (giáo viên Toán); nhà giáo Nguyễn Văn Chiêu (giáo viên chính trị), nhà giáo Hoàng Lục Chinh (Giáo viên Hóa học), nhà giáo Nguyễn Đình Lưu (giáo viên Toán học), nhà giáo Phạm Duy Đản (giáo viên Toán học), nhà giáo Lê Ngọc Sản (giáo viên hóa học), nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Nội (giáo viên Ngữ văn), nhà giáo Hoàng Văn Trường (giáo viên Toán học), nhà giáo Đinh Thị Kim Khánh (giáo viên Toán học). Hàng chục thầy giáo, cô giáo đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; luôn duy trì 4-5 tổ chuyên môn đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Tập thể trường THPT Nguyễn Huệ được vinh dự nhận nhiều Bằng khen của các cấp như: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Yên Bái, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 2009 Nhà trường được công nhận trường THPT đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1; Năm 2017, được công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
Mái trường này đã đào tạo hơn hai vạn học sinh tốt nghiệp THPT, hàng trăm chiến sỹ quân đội nhân dân trong đó có hàng chục liệt sỹ, có hàng chục sỹ quan từ cấp tướng, đại tá, thượng tá... . Hàng ngàn học sinh đã trở về xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có nhiều Doanh nghiệp phát triển tốt, hàng chục thạc sỹ, tiến sỹ, nghệ sỹ ưu tú, hàng trăm kỹ sư, bác sỹ; hàng chục thầy cô giáo đã cùng sát cánh với cha anh xây dựng mái trường. Trường đã góp phần đào tạo cung cấp cho xã hội những cán bộ lãnh đạo cấp cao của địa phương và Trung ương từ phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Lào Cai đến hàng chục Giám đốc, phó Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, hàng trăm trưởng phó các phòng và chuyên viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp lớn, nhỏ, làm ăn có lãi và đang phát triển tốt. Hôm nay đây, họ đã tụ hội tại mái trường này tuy chưa đầy đủ song tất cả đều mang chung niềm tự hào lớn về mái trường nơi đã ươm mầm trí tuệ cho họ.
Với sự vươn lên không ngừng nhằm phát huy truyền thống hiếu học, trí tuệ, đoàn kết, vượt khó của 60 năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các thế hệ luôn giữ vững khối đoàn kết, dân chủ và đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên trên con đường xây dựng và phát triển.
Chiến lược phát triển của nhà trường trong những năm tiếp theo là: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước và đáp ứng đủ điều kiện để Hội nhập khu vực và quốc tế. Tạo mọi điều kiện để học sinh có môi trường học tập tốt nhất, giúp học sinh có kiến thức vững vàng, có năng lực hoạt động xã hội một cách năng động, sáng tạo, có sức khỏe tốt, có tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc, có tấm lòng nhân ái, sẻ chia; xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, nghiệp vụ vững vàng, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm và đặc biệt có trình độ ngoại ngữ để hội nhập khu vực và quốc tế.
Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò trường THPT Nguyễn Huệ quyết tâm thi đua dạy thật tốt, học thật tốt; giữ vững truyền thống đoàn kết, dân chủ, năng động, sáng tạo, đạt nhiều thành tích hơn nữa; khẳng định vị thế của trường chuẩn Quốc gia chất lượng cao, một điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, góp phần vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt cho quê hương, đất nước.
Noi gương và tiếp bước thế hệ cha anh, các em học sinh ngày hôm nay hãy không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để tạo ra tương lai tốt đẹp cho mình, từ đó đóng góp xây dựng đất nước, quê hương. Những thành công ở phía trước đang chờ đón các em.
Nhân ngày hội trường, thầy và trò trường THPT Nguyễn Huệ xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Yên Bái, Thành phố Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh Yên Bái, các thế hệ học sinh cùng cha mẹ học sinh nhà trường; trong 60 năm qua đã luôn theo sát từng bước đi của nhà trường, đã chỉ đạo, giúp đỡ động viên cổ vũ về tinh thần, vật chất góp phần tạo nên bề dày truyền thống của trường THPT Nguyễn Huệ hôm nay.
Trước sự tin tưởng của các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Yên Bái, Trường THPT Nguyễn Huệ nhất định sẽ tiếp tục đi lên xứng đáng với dũng khí của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mà trường vinh dự được mang tên.
Đ.N.T